Thất bại Kế hoạch Staley-Taylor

Kế hoạch này đã bị quân Giải phóng sao chụp, thu thập được đầy đủ ngay sau phong trào Đồng khởi, từ đó có các biện pháp đối phó[3].

Sau các trận đụng độ với Quân giải phóng tại trận Ấp Bắc (tháng 1 năm 1963), trận Bình Giã (tháng 12 năm 1964), năng lực chiến đấu của quân lực VNCH cho thấy chưa đủ để thực hiện công cuộc "bình định", thậm chí còn có nguy cơ bị đẩy lùi. Quân đội VNCH bị tiêu diệt từng tiểu đoàn, chiến đoàn, trung đoàn, kể cả lực lượng tổng dự bị, đã đứng trước sự sụp đổ không thể tránh khỏi, tinh thần quân lính rệu rã. Sau thất bại ở trận Ấp Bắc, đến sau trận Bình Giã, Mỹ thấy là quân đội này sẽ thua. Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ ghi nhận "Nỗi thất vọng của Washingon đối với tình hình quân sự ngày càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận ác liệt Bình Giã ở đông-nam Sài Gòn". Theo hãng tin Mỹ UPI, riêng trong 2 năm 1963-1964 đã có tới 16 vạn quân đào ngũ, riêng 6 tháng đầu năm 1965, thêm 87 ngàn nữa đào ngũ.

Các quan chức trong chính quyền Mỹ đều thống nhất đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam đang xấu đi. Chính phủ Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn, phần lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà ngày càng bị thu hẹp. Như phát biểu của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam lúc đó, Lê Duẩn thì "Mỹ thấy không thể thắng được ta trong chiến tranh đặc biệt"[4].

Bên cạnh đó, các ấp chiến lược – biện pháp xương sống để li khai quân Giải phóng với dân chúng không thực hiện đúng như đề ra: 2.895 trong số 6.164 ấp bị phá hoàn toàn, số còn lại bị phá đi, lập lại cả 5.000 lần[1]. Tới đầu năm 1964, tổng số 4.248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3.915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16-3-1964, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đưa ra một bức tranh tổng quan: “Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hoà 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mõ Cày và các xã Định Thuỷ, Bình Khánh, Phước Hiệp, “đỏ 100%”; trên 900 xã như trong trường hợp ba xã này...”[5].

Sau sự kiện chính phủ của tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 6 năm 1965, miền nam có hàng chục cuộc đảo chính, chỉnh lý thanh trừng lẫn nhau. Đại sứ Hoa Kỳ khi đó là Taylor phải phát biểu với các tướng lĩnh VNCH: "Người Mỹ chúng tôi chán ngấy về những cuộc đảo chính này rồi. Từ nay, người Mỹ chúng tôi không thể nào ủng hộ các ông nữa nếu như các ông cứ gây ra những chuyện như vậy"[4].

Bước vào năm 1965, nguy cơ thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đặt Mỹ trước một tình thế khó khăn cả ở Việt Nam và trong nước Mỹ. Giới cầm quyền Mỹ đề ra và thực hiện một số quyết định chiến lược mới. Đến đây, kế hoạch Staley-Taylor đã không còn hiệu lực. Ngày 8 tháng 3 năm 1965, khi những đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ (3.500 lính) đổ quân xuống Đà Nẵng[6], kế hoạch Staley-Taylor chính thức chấm dứt. Chiến tranh Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn lính Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam và thực hiện Chiến lược Tìm và diệt của Chiến tranh cục bộ.